Khó như... sách cho thiếu nhi
(SKDS) - Hè về, các cửa hàng, khu vực sách dành cho thiếu nhi nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả nhí cũng như các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để chọn được những cuốn sách hay, bổ ích và phù hợp với lứa tuổi của các em giữa một biển sách phong phú, đa dạng ngày nay quả thật không dễ dàng.
Mảnh đất màu mỡ
Sách là người bạn thân thiết của tuổi thơ - điều ấy đã được nhiều thế hệ độc giả kiểm chứng và khẳng định. Những Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) hayLá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng) ra đời cách nay cả nửa thế kỷ đã trở thành những áng văn đi suốt cuộc đời của hàng vạn độc giả, như nhà thơ Bằng Việt từng chia sẻ: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”.
Điều kiện sống được cải thiện, các bậc cha mẹ, nhất là ở các thành phố lớn thường chú trọng đến vấn đề phát triển cho con cái cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ. Nhiều người luôn khuyến khích con mình đọc sách, dành thời gian tìm mua sách hay về cho con đọc...
Bên cạnh đó, hiện nay, các đơn vị xuất bản sách đều rất quan tâm đến thị trường sách cho thiếu nhi. Nếu như trước đây, gần như chỉ có duy nhất NXB Kim Đồng chuyên làm sách cho thiếu nhi thì nay, NXB Giáo dục, NXB Mỹ thuật, NXB Trẻ, NXB Văn học... và các đơn vị làm sách tư nhân như Nhã Nam, Đông A, Thaihabooks... cũng vào cuộc, tạo cho thị trường sách thiếu nhi sự đa dạng, phong phú hơn xưa rất nhiều.
Sách văn học cho thiếu nhi cần phù hợp thị hiếu của lứa tuổi và góp phần nâng cao khả năng cảm thụ văn học. Ảnh: Trần Minh
|
Chọn một bông giữa rừng hoa
Phong phú là vậy, nhưng giữa một biển sách mênh mông với đa dạng các nhà xuất bản, tác giả, tác phẩm, ở cả mảng văn học dịch và văn học trong nước, cả mảng truyện tranh và truyện chữ hoặc đan xen tranh - chữ thì việc chọn được những cuốn sách hay, bổ ích và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi không phải là điều dễ dàng.
Gặp chị Ngọc Anh (Khu tập thể Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Hà Nội) đang đứng tần ngần trước giá sách dành cho thiếu nhi trong một cửa hàng ở phố Đinh Lễ, Hà Nội, chị cho biết mình đang tìm một vài cuốn sách văn học nhằm bồi dưỡng tri thức, nâng cao khả năng cảm thụ văn học cho các con nhân dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, thật khó để chọn mua cuốn nào, bỏ cuốn nào vì đều do các NXB có tên tuổi phát hành. Nếu chọn theo tên tác giả thì nhiều khi cũng bỏ lọt các cây viết trẻ, tuy mới xuất hiện nhưng tác phẩm cũng rất hay, gợi mở trí tưởng tượng cho con trẻ. Ngay cả việc chọn sách có hình minh họa và chữ đan xen, dễ hấp dẫn con trẻ hay lựa chọn những cuốn sách văn học truyền thống trong những bộ sách văn học tuổi hồng... cũng là vấn đề làm đau đầu không chỉ chị Ngọc Anh mà là nhiều bậc phụ huynh hiện nay.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, chia sẻ một kinh nghiệm đã được chị rút ra qua thực tiễn là trẻ con hiện nay hằng ngày phải đối mặt với quá nhiều áp lực của học hành thi cử, môi trường sống hiện đại hóa... nên có xu hướng tìm đến những cuốn sách sử dụng phương pháp giả tưởng, gợi liên tưởng, kích thích trí tò mò. Điều đó lý giải vì sao truyện tranh Đôrêmon lại thu hút được đông đảo các thế hệ tuổi thơ yêu thích như vậy!
Văn học thiếu nhi không phải dễ
Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là việc viết, dịch sách cho thiếu nhi chưa được chú trọng. Dịch giả Tạ Quang Hiệp từng chia sẻ trong một buổi gặp mặt các nhà văn viết cho thiếu nhi vừa được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua rằng bản thân anh thường xuyên “trải nghiệm” điều này. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhà văn lớn nước Đức Machael Ende (1929 - 1995), một trong những nhà văn tiếng Đức được yêu thích nhất của thế kỷ 20 cũng từng chia sẻ rằng thời gian đầu, tác phẩm của ông đã bị giới phê bình văn học hầu như từ chối hoàn toàn. Nguyên nhân bởi vì đó là văn học viết cho thiếu nhi!
Nhiều người đặt câu hỏi rằng ở mảng văn học dịch dành cho thiếu nhi hiện nay đang có xu hướng chọn dịch những cuốn sách tình cảm kiểu teen cho dễ bán. Ngay trong các cuốn sách trong “Tủ sách Tuổi mới lớn” của NXB Kim Đồng, dường như “liều lượng tình cảm khác giới đang ngày càng đậm đà”, trong khi “những khao khát thôi thúc trong tâm hồn tuổi dậy thì về những ước mơ lớn lao gắn bó với sự phát triển của dân tộc, đất nước lại có phần mờ nhạt”...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nói đại ý rằng: “Chơi với trẻ con khó hơn chơi với người lớn, điều này cũng cần đến một chút trời cho...”. Điều đó cũng chứng tỏ một thực tế rằng mảng văn học cho thiếu nhi không phải dễ dàng. Cần lắm những cây bút có tài năng và trên hết là tâm huyết với thế hệ mầm non tương lai của đất nước tiếp sức cho nền văn học thiếu nhi nước nhà.
0 nhận xét :
Post a Comment